Ổn định giá cát xây dựng: Cần sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương
22/06/2017 | 1015
(Xây dựng) – Để giải quyết việc bảo đảm cung cầu giá cát xây dựng và bình ổn giá cát, cần sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành và địa phương.

(Xây dựng) – Để giải quyết việc bảo đảm cung cầu giá cát xây dựng và bình ổn giá cát, cần sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành và địa phương.

Biến động giá cát

Trong thời gian gần đây, giá cát xây dựng dùng cho bê tông đã tăng với biên độ từ 50-200% so với thời điểm tháng 3/2017, diễn biến ở từng khu vực có sự chênh lệch tăng khác nhau, TP HCM có thời điểm giá cát các loại tăng đột biến lên tới 200%.

Thông tin báo giá vật liệu xây dựng công bố của một số tỉnh cho thấy, giá cát trong 2 tháng gần đây liên tục tăng, đặc biệt tăng cao ở một số TP lớn không có nguồn cát cung cấp tại chỗ.

Tại tỉnh Đồng Tháp, giá cát tại nơi khai thác với cát cho bê tông, cát xây tô giao động từ 45.000-80.000 đồng/m3. Giá cát hạt trung bình tại công trình từ 160.000-220.000 đồng/m3, cát hạt mịn từ 110.000-130.000 đồng/m3, cát đen 90.000 đồng/m3 và cát đã qua sàng rửa 180.000 đồng/m3.


Ảnh minh họa.

Tại TP HCM, giá cát các loại tại thời điểm quý II/2017 tăng. Quận 10 giá cát san lấp tăng lên 232.000 đồng/m3 (tăng 78% so với thời điểm quý I/2017). Quận Gò Vấp giá cát xây tô 436.000 đồng/m3 (tăng 92% so với thời điểm quý I/2017), cát cho bê tông 560.000 đồng/m3 (tăng 155% so với thời điểm quý I/2017), cát san lấp 200.000 đồng/m3. Một số quận, huyện khác như quận 11, huyện Nhà Bè, giá cát hầu như giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể.

Tại Hà Nội, giá cát tại khu vực Chèm, Bắc Từ Liêm gồm cát sông Lô 280.000-380.000 đồng/m3, cát đen, tô trát và san lấp 100.000-140.000 đồng/m3. Trong khi cuối tháng 3, giá bán cát cho bê tông 200.000-300.000 đồng/m3 và cát đen, tô trát và cát san lấp 80.000 đồng/m3.

3 nguyên nhân chủ yếu

Theo Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giá cát xây dựng tăng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân thứ nhất là do lệch pha cung cầu cát xây dựng. Số liệu cấp phép của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, TP cho thấy tổng khối lượng khai thác cát xây dựng giai đoạn 2011-2015 là 62 triệu m3/năm, trong khi đó, ước tính của Viện Vật liệu xây dựng, nhu cầu sử dụng cát xây dựng hằng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu cát xây dựng.

Mặt khác, do nguồn cung cát xây dựng phân bố không đồng đều dẫn đến hiện tượng giá cát tăng nhanh và nhiều khi địa phương không có nguồn cung nhưng nhu cầu lại lớn, phải vận chuyển cát từ nơi khác đến làm tăng giá do chi phí vận chuyển lớn.

Nguyên nhân thứ hai, do một số doanh nghiệp, chủ bến bãi hoặc đầu mối cung cấp cát tại một số địa phương lợi dụng thời điểm này (nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu) đã đầu cơ tích trữ cát, tăng giá cát.

Nguyên nhân thứ ba là do các chủ dự án công trình xây dựng và chính quyền địa phương bị động trong việc cân đối nguồn cung cát xây dựng. Việc sử dụng nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên hạn chế, một phần vì thói quen, tập quán, mặt khác vì giá cát nghiền cao, vật liệu tro xỉ, phế thải thay thế làm vật liệu xây dựng dùng trong san lấp chưa được khuyến khích hay bắt buộc sử dụng đúng lúc, kịp thời.

Để góp phần đảm bảo cung cầu cát xây dựng và bình ổn giá cát, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm đợt cao điểm chống khai thác cát trái phép trên phạm vi toàn quốc, đồng thời rà soát lại tất cả các dự án khai thác cát trên toàn quốc, chỉ cho phép hoạt động trở lại khi có đủ kiện pháp lý, không có tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Đối với các TP lớn như TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, cần có kế hoạch cung cấp cát ổn định, thực hiện nghiêm các giải pháp chống đầu cơ, tích trữ, ép giá và nâng giá trái quy định.

Tuy nhiên, về lâu dài, các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai tích cực Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong công trình xây dựng, trong đó có việc sử dụng tro bay làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên.

Ngoài ra, các Bộ, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải cần tăng cường chỉ đạo hướng dẫn sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, dự báo khả năng bồi lắng cát tại các con sông, luồng lạch, cửa sông cửa biển, sớm ban hành nghị định về quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và vùng nước cảng biển.

Khi các chính sách, cơ chế pháp lý đối với việc khai thác và sử dụng cát đã tương đối đầy đủ cần có sự triển khai thực hiện nghiêm túc của các địa phương.

Hãy Gọi